“Con người ta trên đường đời khó tránh khỏi
những điều vòng vèo hoặc chùng chình” (Nguyễn Minh Châu)

Kì nghỉ lễ giữa mùa dịch, mấy chị em chọn một miền đất thật gần mà cũng rất “xa” để đưa các con đến tham quan, trải nghiệm, đó là làng nghề chè Tân Cương (HTX Tâm Trà Thái), Thái Nguyên. Nói gần mà xa, bởi mang tiếng sinh ra, lớn lên trên mảnh đất “đệ nhất danh trà”, vậy mà lần đầu tiên tôi mới đặt chân đến nơi đây, lạc vào những đồi chè trung du xanh bát ngát, đi giữa không gian làng nghề vào một buổi chiều đầu hạ. Chiều đến, là lúc những người công nhân mang những gùi trà xanh về xưởng, bắt đầu công đoạn quay sao, vò, đánh mốc, tạo hương để cho ra thành phẩm cuối cùng. Không gian thoang thoảng mùi thơm của những mẻ chè mới sao. Nghe trong mùi hương đậm đà có vị chát, vị thanh đặc trưng của lá chè, vị ngọt của đất quyện với mùi thơm của lửa (Chè được sao bằng củi gộc, chứ không phải bằng than hay gas nên có vị thơm  đặc trưng của hương chè truyền thống). Tuyệt nhiên không hề thấy có mùi nồng của phân bón, hóa chất hay thuốc trừ sâu như thường thấy ở nhiều làng nghề nông nghiệp, bởi cây chè nơi đây được bón phân hữu cơ và đất trồng được kiểm định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Vietgap định kì 5 năm một lần.

TẢN MẠN CHIỀU TÂN CƯƠNG
Cô Lê Thị Mai Ngân – Tại đồi chè HTX Tâm Trà Thái

Thiên nhiên ưu ái ban cho Tân Cương chất thổ nhưỡng phù hợp với cây chè mà có lẽ không một nơi nào có được. Địa hình đặc trưng của mảnh đất trung du này là những quả đồi tròn, thấp như hình bát úp thoai thoải trải rộng, gối lên nhau nhấp nhô điệp trùng. Phủ lên đó là những vạt chè xanh bát ngát. Đang độ cuối xuân, đầu hạ, những búp trà hấp thụ tinh hoa đất trời mập mạp vươn cao xanh non mơn mởn. Lá trà đủ dưỡng chất nên to bản, dày mình và căng bóng mỡ màng. Cây chè lớn lên không chỉ nhờ đất đồi Tân Cương và dòng nước sông Công ngọt ngào thanh mát mà còn nhờ tình yêu và bàn tay chăm bón của những người dân làng nghề. Với người Tân Cương, cây chè không chỉ là nguồn nuôi sống và giúp họ làm giàu. Cây chè còn là bạn, là chứng nhân văn hóa đồng hành cùng họ đi qua bao thăng trầm của lịch sử. Ngôi nhà của các gia đình Tân Cương cũng được bao quanh bởi những đồi chè, thấp thoáng trong bóng chiều tựa kiến trúc ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên. Đến đây mới biết một điều thú vị, rằng những đồi chè Tân Cương hàng ngày được người nông dân chăm bón bằng nguồn dưỡng chất hữu cơ cao cấp là bột đậu tương và trứng gà. Ở lối đi giữa những luống chè, người dân còn cẩn thận rải một lớp lá guột (dương xỉ) khô, dày để dưỡng ẩm cho đất. Người yêu đất, và đất đã chẳng phụ người mà dâng tặng cho con người một sản vật kết tụ đầy đủ nhất tinh hoa của cả một miền sông núi. Tôi cứ nghĩ, cây chè dường như chính là minh chứng, là thành quả đẹp đẽ của tình yêu giữa đất và người Thái Nguyên.

đồi trà Tân Cương Thái Nguyên

Tiếng là dân xứ trà mà thú thực tôi cũng không biết thưởng trà, không phân biệt được đâu là trà ngon hay trà không ngon, trà sạch hay trà được chăm bón bằng hóa chất, thuốc trừ sâu. Vào không gian trưng bày của Hợp tác xã Tâm Trà Thái, chúng tôi được bác chủ là nghệ nhân lâu đời của làng nghề chè Tân Cương mời uống chén trà mộc, loại trà “phổ thông” và bình dân thôi, nhưng mùi và vị đậm đà đã đủ làm say lòng người. Đến khi được thưởng thức sang ấm trà “quý tộc” – nhất đinh trà thì nhận ra quả là danh bất hư truyền! “Thái Nguyên – đệ nhất danh trà”, đó không phải một slogan quảng bá thương hiệu màu mè mà là một sự tôn vinh xứng đáng nhất, đã được thẩm định qua thời gian, của bao thế hệ những người yêu chè Thái Nguyên. Cầm chén trà nóng trên tay mới thấy trong đó có cả hương đất và tình người. Nước trà sánh và sáng vàng như mật, hương trà nồng nàn, vị trà chát, đắng phải khoảng nơi đầu lưỡi nhưng đến liền sau đó là vị ngọt đậm đà thấm sâu nơi cổ họng. Tan cuộc trà rồi mà du khách vẫn cảm nhận được vị ngọt đượm li ti tan dần trong miệng.

Rời Tân Cương, ngoái nhìn những nương chè xanh bát ngát, trên cao tiếng sáo diều vi vu trong chiều gió lộng, thoang thoảng đâu đây hương đất tình người, chợt thấm thía và yêu sao ca từ bài hát của nhạc sĩ An Thuyên: Anh đi giữa chiều đầy sương khói, một thoáng quê hương bóng chiều khuất núi… Thái Nguyên ơi dù đường dài cách trở… Ôi, suốt cả đời người mà như đi trong mơ, ở một miền quê nửa đồng nửa núi, để anh khát cháy lòng nơi đầu suối, Thái Nguyên ơi sao mà nhớ mà thương, yêu tha thiết mỗi dáng chiều quê hương.”

Và cũng lần đầu tiên, đi hết nửa đời người, mới thấy tự hào đến thế vì mình là người con gái, à không, người phụ nữ xứ Trà.

Tác giả:Lê Thị Mai Ngân – Trường THPT Chuyên Thái Nguyên